Tự tính chi phí lắp đặt Camera cho gia đình chuẩn nhất

    Lắp đặt Camera cho gia đình có rất nhiều lợi ích như: Quan sát mọi hoạt động trong ngôi nhà, trông trẻ em, hỗ trợ chăm sóc người già, hạn chế trộm cắp. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn một hệ thống Camera gia đình từ bình dân tới cao cấp. Tùy thuộc mỗi nhu cầu sử dụng khác nhau mà có chi phí đầu tư khác nhau. Mời các bạn theo dõi bài viết này để biết được cách tính chi phí lắp đặt Camera cho gia đình mình.

{tocify}

Phần I: TẠI SAO CẦN LẮP CAMERA CHO GIA ĐÌNH?

1. Những lợi ích của việc lắp Camera an ninh gia đình.

* Kiểm soát ngôi nhà của mình 24/24

Camera như con mắt thứ 3 của bạn, giúp bạn có thể quan sát ngôi nhà của bạn từ xa. Bạn đi công tác, đi du lịch, khi không có ai ở nhà là có thể theo dõi được ngôi nhà của mình. Bạn có thể xem lại những đoạn video được lưu trữ để xem lại các sự kiện thực tế trong ngôi nhà của bạn.

* Theo dõi những hoạt động trong ngôi nhà bạn.

Camera an ninh có thể theo dõi hoạt động vui chơi của con trẻ, theo dõi công việc của người giúp việc, theo dõi sự ra vào của những người lạ, theo dõi những hoạt động bất thường. Và thậm chí nếu hàng xóm lỡ để con chó ị bậy trước cửa nhà thì mình cũng có bằng chứng để qua nói chuyện.

* Lắp đặt Camera hạn chế trộm cắp

Sự thật là ngày nay những tên trộm rất giỏi và rất liều. Trộm cắp diễn ra hàng ngày, bất cứ nơi đâu kể cả nơi kinh doanh hoặc gia đình trong hẻm nhỏ. Việc lắp đặt một hệ thống Camera an ninh sẽ hạn chế ý định trộm cắp của kẻ gian. Hoặc những hình ảnh ghi lại của kẻ gian khi đột nhập cũng giúp công an có thể truy tìm kẻ trộm nhanh hơn.

Ngoài ra cũng có nhiều hệ thống Camera thông minh, có thể báo động khi có kẻ gian đột nhập. Ví dụ như các dòng Camera Wifi không dây hiện nay đều có chức năng báo động khi có người đột nhập.

Lắp đặt Camera cho gia đình


2. Nên và không nên lắp Camera giám sát ở những vị trí nào?

* Cần lắp Camera ở những khu vực dễ xâm nhập.

Cổng ra vào, cửa ra vào, hàng rào quanh nhà: tùy vào diện tích và độ rộng, và khoảng cách cần quan sát mà bạn có thể lắp 1 hoặc 2 mắt Camera an ninh. Đây là những vị trí hết sức quan trọng để bạn có thể giám sát người ra vào, giám sát xe cộ. Đảm bảo an ninh cho ngôi nhà của bạn.

Vị trí để xe, gara: nếu nhà bạn có khu vực để xe riêng như sân để xe riêng, sau vườn cảnh, tầng hầm...Thì bạn cũng nên lắp 1-2 mắt Camera giám sát tại những khu vực này.

* Lắp đặt Camera phòng khách và bếp ăn

Đây là những khu vực quan trọng thứ 2. Nếu nhà bạn có phòng khách ngay từ cửa chính đi vào thì nên lắp một mắt để theo dõi việc ra vào cửa nhà bạn. Vì chính cửa này cũng là cửa đi vào toàn bộ ngôi nhà. Còn bên trong phòng khách và trong bếp thì bạn có thể lắp đặt Camera để theo dõi hoạt động của gia đình, của con trẻ, của người giúp việc, theo dõi sự an toàn của các thiết bị máy móc, điện nước trong nhà. Và đôi khi còn có thể tìm được các đồ vật bị bỏ quên.

* Lắp Camera ở các lối đi trong nhà

Các hành lang và cầu thang lên xuống: Khi có sự cố xảy ra, bạn sẽ xem lại những video được lưu trữ để biết được ai đã ra vào phòng của bạn, của con bạn.

* Những vị trí rất quan trọng khác

Cửa sau, sân thượng, ban công: Đây là những vị trí yếu điểm, nơi mà kẻ xấu có thể đột nhập. Tốt nhất là nên lắp ở những vị trí này một mắt Camera theo dõi.

* Những vị trí cần cân nhắc khi lắp Camera giám sát

Những vị trí liên quan đến sự riêng tư, nhay cảm, ít ảnh hưởng đến vấn đề an ninh...thì các bạn cần cân nhắc. Riêng chúng tôi sẽ khuyên bạn không nên lắp Camera giám sát ở những vị trí sau:

Vị trí cửa nhà vệ sinh, bên trong nhà vệ sinh hoặc phòng thay đồ: Hãy dời Camera qua một vị trí khác, những vị trí này thường chẳng có vấn đề gì để cần giám sát. Chỉ riêng trường mầm non mới cần giám sát cả nhà vệ sinh của trẻ, đề phòng bạo hành trẻ em trong nhà vệ sinh.

Trong phòng ngủ, giường ngủ: Sẽ không ai thích bị theo dõi hoặc bị lộ những dữ liệu riêng tư. Vậy nên hãy loại bỏ ý định lắp Camera giám sát ở đây. Nếu vì một lý do nào đó bạn buộc phải lắp đặt Camera trong phòng ngủ. Thì hãy ưu tiên chọn những dòng Camera có chế độ riêng tư. Hoặc thiết kế một chiếc công tắc rời để có thể chủ động tắt mở khi cần.

Tuy nhiên, nếu nhà có các cụ cao tuổi cần được chăm sóc, theo dõi liên tục để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Hoặc các bạn thuê người giúp việc chăm sóc các cụ. Thì các bạn cũng nên lắp một chiếc Camera thông minh trong phòng các cụ.

Vị trí lắp đặt camera


3. Lắp bao nhiêu Camera là đủ 

Việc lắp đặt Camera an ninh cho gia đình cần sự tính toán kỹ càng. Số lượng Camera giám sát càng nhiều thì các bạn càng nên chọn công nghệ và giải pháp có độ ổn định cao. Để lắp 1 lần xài cả đời, lắp để lưu trữ video được thời gian dài để khi có sự cố có thể xem lại. Lắp đặt Camera an ninh là phải có hiệu quả sử dụng chứ không phải để hù dọa.

Với nhu cầu chỉ cần lắp 1-2 vị trí: Bạn có thể chọn những dòng Camera wifi không dây. Rất tiện lợi và dễ sử dụng. Không cần những thiết bị và phụ kiện cầu kỳ, sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí.

Với nhu cầu giám sát từ 3 vị trí trở lên: Các bạn hãy lựa chọn giải pháp lắp đặt trọn bộ Camera analog, Camera ip có dây. Hệ thống Camera này gồm đầu ghi, ổ cứng lưu trữ, Camera kết nối dây về đầu ghi.

Lắp đặt Camera giám sát cho gia đình

Cần dự phòng số lượng Camera có thể phát sinh: Nếu tương lai bạn cần bổ sung thêm mắt Camera giám sát. Bạn cần tính toán số lượng kênh trên đầu ghi. Ví dụ hiện tại bạn lắp đầu ghi 4 kênh ( lắp được 4 mắt). Mà sau này cần bổ sung 2 mắt nữa thì bạn sẽ phải đổi đầu ghi 4 kênh thành 8 kênh. Sẽ gây lãng phí về chi phí nâng cấp. Nhưng nếu bạn dùng đầu ghi 8 kênh ngay từ đầu thì sau này bạn chỉ cần bổ sung thêm các mắt một cách dễ dàng.


Phần II: CÁCH TÍNH CHI PHÍ MỘT HỆ THỐNG CAMERA CHO GIA ĐÌNH CHI TIẾT


   Lưu ý: Các phần tính giá cả cho các thiết bị của hệ thống Camera giám sát đều dựa trên báo giá chính hãng. Các thiết bị chính hãng của các hãng Camera sẽ có giá chênh lệch từ 5-10%. Trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị có giá rẻ hơn rất nhiều. Các bạn cần chú ý tìm hiểu kỹ thông tin trước khi chọn mua sản phẩm nào đó nhé.


I. Giải pháp lắp đặt 1-2 mắt Camera cho gia đình

Với số lượng ít thì các bạn có thể chọn Camera có dây hoặc Camera wifi để tiết kiệm chi phí.

1. Giải pháp lựa chọn Camera Wifi

Phù hợp với những căn hộ diện tích nhỏ. Với nhu cầu quan sát đơn giản như là quan sát phòng khách, cửa ra vào.

Không cần thời gian lưu trữ lâu, vì Camera wifi lưu trữ dữ liệu bằng thẻ nhớ nên dung lượng sẽ bị hạn chế.

Không quá khắt khe về chất lượng cũng như độ ổn định. Vì Camera wifi phụ thuộc rất nhiều vào sóng wifi.

Với Camera wifi thì hầu như không mất chi phí lắp đặt và phụ kiện hoặc rất ít.

Lắp đặt Camera wifi


Hiện nay giá trên thị trường có rất nhiều mức giá của Camera wifi:

  • Camera wifi giá rẻ có mức giá từ 400 ngàn tới 7-800 ngàn. Đã bao gồm bộ nguồn, thẻ nhớ.
  • Camera wifi chính hãng: Có mức giá từ 1tr đồng - tới 3-4tr đồng.
  • Riêng hãng Camera Vantech của Việt Nam: Có loại Camera wifi chính hãng giá dưới 1tr đồng.
  • Camera Yoosee được nhiều người sử dụng vì mức giá siêu rẻ.

Vậy theo như mức giá bán trên thị trường:

  • Chi phí cho một chiếc Camera wifi giá rẻ chỉ dưới 1tr đồng.
  • Chi phí cho một chiếc Camera wifi chính hãng phải gần 2tr đồng trở lên. Bao gồm cả thẻ nhớ, một vài phụ kiện cần thiết như dây điện, ốc vít, hộp bảo vệ nguồn...
  • Tuy nhiên quý khách cũng lưu ý: Tiền nào của đó, nếu lựa chọn chiếc Camera giá rẻ thì không thể đòi hỏi nó có chất lượng và tuổi thọ cao như Camera wifi chính hãng.

2. Giải pháp lắp đặt Camera có dây 1-2 mắt

Bạn chỉ cần quan sát 1-2 vị trí, nhưng vẫn muốn một hệ thống Camera có dây để tăng độ ổn định, thời gian lưu trữ lâu, không lo hư hỏng vặt.

Đối với Camera có dây, có hai lựa chọn: 1 là lắp đặt Camera Analog, 2 là lắp đặt Camera IP.

Tuy nhiên chúng tôi khuyên các bạn nên lắp đặt Camera Analog để tiết kiệm chi phí. Vì với nhu cầu chỉ cần 1-2 Camera quan sát thì việc thi công hệ thống Camera Analog có dây rất dễ dàng.

Sơ đồ lắp đặt camera cho gia đình


Cấu hình cho một bộ Camera Analog 2 mắt như sau:

  • Đầu ghi Analog 4 kênh: Đầu ghi HD hoặc Full HD có giá từ 2tr-4tr. Đầu ghi HD sẽ rẻ hơn đầu ghi Full HD.
  • Các mắt Camera: Mắt Camera HD, Full HD loại bình dân nhất có giá từ 700 ngàn tới 1,5tr đồng. Mắt Camera Full HD sẽ đắt hơn mắt Camera HD.
  • Ổ cứng lưu trữ loại 500GB khoảng 500 ngàn. Loại 1TB chính hãng khoảng 1,2tr đồng.

Như vậy tổng chi phí cho thiết bị khoảng: Từ 4tr đến 5,5tr đồng.

  • Vật tư phụ kiện như nguồn Camera, jack BNC hay Balun, hộp box kỹ thuật, đinh vít, jack cắm điện: Khoảng 200 ngàn đồng.
  • Dây điện, dây tín hiệu có mức giá từ 5000-7000 đồng /mét.

Như vậy tổng chi phí lắp đặt cho bộ Camera 2 mắt vào khoảng 4,5tr - 6tr đồng. Chi phí này chưa bao gồm nhân công lắp đặt và phát sinh.

Đây là bảng giá tính theo giá chuẩn của thiết bị chính hãng. Nếu các bạn mua thiết bị trên thị trường có thể sẽ rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên các bạn nên chọn nơi uy tín để đảm bảo chất lượng sử dụng lâu dài.

II. Lắp đặt hệ thống Camera từ 3-10 mắt

Với hệ thống Camera từ 3-10 mắt, sẽ có nhiều phương án khác nhau. Vì khi đó tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện thực tế để lắp đặt.

1. Hệ thống Camera giám sát Analog từ 3-4 mắt

Chúng ta chỉ cần tăng thêm số mắt so với hệ thống có 2 mắt ở trên đã nói.

Như ở trên chi phí cho bộ Camera 2 mắt Analog là 4,5tr-6tr đồng. Thì bộ Camera Analog 4 mắt sẽ tăng lên khoảng 2tr nữa. Chi phí sẽ vào khoảng 6-8tr đồng. Chi phí này chưa tính nhân công lắp đặt.

Trường hợp đang sử dụng đầu ghi 4 kênh mà muốn lắp thêm mắt thứ 5 hoặc 6:

  • Nếu chúng ta đổi từ đầu ghi 4 kênh sang 8 kênh, thì giá đầu ghi 8 kênh thường gấp đôi đầu ghi 4 kênh.
  • Hiện nay các đầu ghi Analog thường tích hợp kèm theo 1 đến 2 kênh IP, cho phép kết nối 1-2 mắt Camera IP nữa. Tổng số mắt có thể kết nối là 4 mắt Analog, 2 mắt IP.
  • Có loại đầu ghi chỉ có thêm 1 kênh IP, có loại có 2 kênh IP.
  • Các mắt Camera IP HD và Full HD có giá từ 1,5tr đến 2tr.
Vậy nên nếu bạn muốn lắp thêm mắt thứ 5 vào đầu ghi 4 kênh, bạn nên chọn giải pháp lắp thêm 1 Camera IP để tiết kiệm chi phí.

Giải pháp lắp đặt camera cho gia đình


2. Hệ thống Camera giám sát IP từ 3-4 mắt

  • Đối với đầu ghi IP, thì đầu ghi 4 kênh chỉ lắp được tối đa 4 mắt Camera.
  • Đầu ghi IP 4 kênh Full HD chính hãng có giá khoảng: từ 2,4tr-3,5tr.
  • Các mắt Camera IP HD và Full HD có giá dao động từ 1,5tr - 2,5tr đồng.
  • Ổ cứng lưu trữ 1TB vừa đủ sử dụng cho hệ thống Camera gia đình: Giá khoảng 1,2tr đồng.

Như vậy tổng chi phí thiết bị cho hệ thống Camera IP gia đình 4 mắt là: 9,6tr đến 13tr đồng. Chi phí nhân công lắp đặt được tính riêng tùy thuộc vào thực tế thi công.

  • Dây cáp mạng cho Camera loại CAT5 hoặc CAT6: có giá dao động từ 3000đ đến 12000đ / mét.

Có 2 giải pháp cấp nguồn cho hệ thống Camera IP:

  • Sử dụng hệ thống POE: Bao gồm switch POE cấp nguồn qua dây cáp mạng luôn. Không cần đi dây điện nguồn riêng cho Camera. Giá switch POE 4 port chính hãng khoảng 900 ngàn đồng.
  • Dây điện và nguồn cho Camera ip riêng: Sử dụng nguồn riêng, dây điện riêng cũng tốn chi phí khoảng 600-800 ngàn đồng.
  • Tuy nhiên bạn phải sử dụng dây cáp mạng đạt tiêu chuẩn mới kết hợp được với công nghệ POE. Và phải lựa chọn Camera IP có hỗ trợ POE.
Như vậy tổng chi phí cho hệ thống Camera IP gia đình 4 mắt vào khoảng 11tr - 14tr đồng. Chi phí này chưa tính nhân công lắp đặt và phát sinh.

3. Hệ thống Camera Ananlog từ 5-12 mắt

Như phần trên đã nói, bạn vẫn có thể lắp đặt hệ thống Camera 6 mắt với đầu ghi 4 kênh.

Tuy nhiên từ 6 mắt - 8 mắt Analog, thì bạn bắt buộc phải chọn đầu ghi 8 kênh.

Và đầu ghi 8 kênh Analog cũng thường được tích hợp từ 2-4 kênh IP, cho phép bạn lắp tối đa 12 mắt trên đầu ghi 8 kênh. Trong đó 8 mắt Analog, 4 mắt IP.

Chi tiết về giá đầu ghi Analog 8 kênh và 8 mắt Camera Analog:

  • Đầu ghi 8 kênh Analog HD và Full HD là loại thông dụng nhất thường được sử dụng cho gia đình. Có giá từ 3,5tr - 5tr đồng.
  • Các mắt Analog HD và Full HD có giá từ 700 ngàn tới 1,5tr đồng.
  • Đối với hệ thống Camera Analog từ 5-10 mắt thì nên chọn ổ cứng có dung lượng là 1TB hoặc 2TB. Có giá từ 1,2tr và 1,7tr đồng.
Tổng chi phí cho thiết bị vào khoảng: 10tr đến 15tr tùy vào bạn chọn đầu ghi và Camera HD hay Full HD.
  • Dây tín hiệu, dây điện nguồn, phụ kiện khoảng 1tr.

Như vậy bạn có thể tính được sơ bộ tổng chi phí cho hệ thống Camera Analog 8 mắt vào khoảng 11tr đến 16tr đồng. Tùy thuộc vào bạn chọn Camera HD hay Full HD. Chi phí này chưa tính nhân công lắp đặt và phát sinh.

Trường hợp bạn muốn lắp thêm từ mắt thứ 9 đến 12:

  • Điều kiện là trước đó bạn đã chọn đầu ghi có hỗ trợ thêm 2 hay 4 kênh IP.
  • Giá của một mắt Camera IP HD khoảng 1,5tr đồng. Và Camera IP Full HD khoảng 2tr đồng.
  • Bạn cần lắp thêm mấy mắt IP thì chỉ cần tính thêm số lượng và thêm chi phí dây cáp mạng, dậy điện.
  • Dây cáp mạng để sử dụng cho Camera Ip có giá từ 3000đ đến 12000đ / mét.
Lắp đặt camera quan sát cho gia đình


4. Hệ thống Camera IP 8 mắt

Cũng như đầu ghi Camera IP 4 kênh, đầu ghi Camera IP 8 kênh cũng chỉ lắp được tối đa 8 mắt.

Giá của đầu ghi Ip 8 kênh chỉ hơn đầu ghi 4 kênh từ 300-500 ngàn đồng.

Lắp tăng số lượng mắt Camera IP thì các bạn chỉ cần tính thêm chi phí theo số lượng.

Nếu có từ 5-8 mắt Camera IP, bạn nên sử dụng ổ cứng 2TB để lưu trữ dữ liệu được lâu ngày hơn. Giá ổ cứng 2TB chính hãng khoảng 1,7tr đồng.

Đối với hệ thống cấp nguồn:

  • Sử dụng hệ thống switch POE 8 port: Có giá khoảng 1,8-2tr đồng.
  • Sử dụng dây nguồn và bộ nguồn riêng chi phí cũng gần bằng sử dụng POE.
  • Tuy nhiên bạn phải sử dụng dây cáp mạng đạt tiêu chuẩn mới kết hợp được với công nghệ POE. Và phải lựa chọn Camera IP có hỗ trợ POE.
  • Dây cáp mạng để sử dụng cho Camera Ip có giá từ 3000đ đến 12000đ / mét.

Vậy tổng chi phí cho hệ thống Camera Ip 8 mắt khoảng 16tr - 21tr đồng. Giá này chưa tính nhân công lắp đặt và chi phí phát sinh.

III. Lời kết

 Qua bài viết này các bạn đã thấy tầm quan trọng của việc lắp đặt Camera cho gia đình. Các bạn cũng có thể tự tính toán chi phí lắp đặt một hệ thống Camera cho gia đình mình. Để đảm bảo chất lượng sử dụng cũng như tuổi thọ hệ thống cao. Quý khách nên chọn những sản phẩm chính hãng, các hãng đều có giá ngang nhau và chênh lệch không nhiều. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp ích nhiều cho các bạn trong việc lựa chọn và lắp đặt hệ thống camera. Chúc các bạn thành công.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét